5 BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA ĐỘT QUỴ KHI TRỞ LẠNH

   Dù thời tiết chưa hoàn toàn lạnh suốt cả ngày, nhưng nhiệt độ ban đêm và sáng sớm đã hạ thấp. Nhiều người đi làm vào sáng sớm hoặc tập thể dục đã phải mặc áo ấm. Nếu là người có bệnh tim mạch, cần cảnh giác với nguy cơ đột quỵ.

Vì sao nhiệt độ lạnh lại nguy hiểm đối với tim và não?

Khi ở trong môi trường lạnh, cơ thể chúng ta có những điều chỉnh sinh lý nhất định để duy trì ổn định nhiệt độ cơ thể. Những điều chỉnh bình thường này có thể là một thách thức đối với những người bị bệnh tim mạch hay đột quỵ. Nhiệt độ lạnh có thể khiến cho: Nhịp tim tăng lên, làm tăng huyết áp, bắt trái tim của bạn làm việc cật lực hơn đáng kể. Nhiệt độ thấp cũng làm tăng khuynh hướng đông máu trong lòng mạch.

Hậu quả tai hại của thời tiết lạnh lên bệnh tim mạch và đột quỵ

Đối với những người đang bị bệnh mạch vành, nhiệt độ thấp có thể gây ra các đợt thiếu máu cục bộ ở tim do cơ tim bị thiếu oxy, gây các cơn đau thắt ngực hoặc thậm chí cơn đau tim cấp.

Đối với những người bị suy tim, nhiệt độ môi trường giảm nhanh chóng có thể làm các triệu chứng đang tạm ổn lại đột ngột xấu đi, tăng nguy cơ nhập viện và thậm chí tăng nguy cơ tử vong.

Đối với những người bị tăng huyết áp, nhiệt độ môi trường giảm nhanh chóng có thể làm huyết áp tăng lên, dễ gây ra các biến chứng tim mạch và hình thành đột quỵ.

Thời tiết giao mùa nóng lạnh thất thường, người cao tuổi, người bệnh tim mạch cần cảnh giác nguy cơ đột quỵ

(Ảnh minh họa)

Cách dự phòng thời tiết lạnh cho những người bị bệnh tim mạch

Đối với bất kỳ ai bị bệnh tim mạch, khi trời trở lạnh cần phải có biện pháp phòng ngừa đặc biệt. May mắn, những biện pháp phòng ngừa khá đơn giản và mọi người có thể dễ dàng thực hiện.

Hạn chế tiếp xúc với lạnh: Hạn chế thời gian ở ngoài trời lạnh, và nếu bạn ra ngoài, hãy mặc ấm, nhiều lớp, che đầu và tay, đi tất và giày ấm.

Đừng cố gắng hoạt động quá sức: Không hoạt động quá gắng sức trong thời tiết lạnh. Ngay việc đi bộ nhanh hơn bình thường gặp khi gió lạnh thổi vào mặt và cơ thể cũng đã là gắng sức. Chỉ ở ngoài trời lạnh thôi cũng thúc đẩy cơ thể chúng ta phải gắng sức hơn bình thường nhằm giữ nhiệt độ cơ thể ổn định.

Đừng để cơ thể trở nên quá nóng: Mặc quần áo ấm sau đó tham gia hoạt động thể chất có thể dẫn đến cơ thể bị nóng bức. Ngược lại với lạnh, quá nóng sẽ làm cho các mạch máu đột ngột giãn ra và có thể dẫn đến hạ huyết áp ở một người bị bệnh tim mạch. Nếu bạn hoạt động ngoài trời lạnh và thấy mình đổ mồ hôi, như vậy bạn đang bị quá nóng và không ổn. Nếu bạn bị bệnh tim mạch, hãy coi đây là dấu hiệu nguy hiểm. Hãy dừng việc bạn đang làm và vào ngay trong nhà.

Tiêm phòng cúm: Mùa thu đông cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm do độ ẩm thấp trong thời tiết lạnh và hệ thống giữ ấm trong nhà không đủ. Bệnh cúm có khả năng nguy hiểm đối với bất kỳ ai đang bị bệnh tim mạch. Bạn cần tiêm phòng vắc-xin cúm trước mỗi mùa lạnh tới. Và nếu bạn cảm thấy mình phát triển các triệu chứng của bệnh cúm, hãy can thiệp điều trị ngay.

Không uống rượu: Tránh uống rượu trước khi ra ngoài trời. Vì rượu làm giãn nở các mạch máu trên da, khiến bạn cảm thấy ấm hơn trong khi thực sự lấy đi nguồn nhiệt ra khỏi các cơ quan quan trọng của bạn.

Nếu bạn bị bệnh tim mạch hay đột quỵ cũ, nhiệt độ lạnh có thể nguy hiểm hoặc thậm chí đe dọa tính mạng. Luôn nhớ đảm bảo rằng bạn thực hiện các biện pháp phòng ngừa thông thường có thể giảm nguy cơ nếu bạn ở trong môi trường lạnh.

============================
🏥 TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN THANH THỦY
☎️ Hotline: 1800 969 666 (miễn cước cuộc gọi)
⏰ Thời gian làm việc: khám #BHYT thứ 7, chủ nhật và cả ngày NGHỈ, LỄ, TẾT.
🌐 Địa chỉ: Khu 5, thị trấn Thanh Thủy, H. Thanh Thủy, T. Phú Thọ.

Tags: