Bộ Nội vụ nói gì về đề xuất xếp lương bậc 2, nâng phụ cấp lên 100% cho nhân viên y tế dự phòng và cơ sở?

Bộ Y tế đề xuất nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40%-70% lên 100%; đề xuất chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững” diễn ra mới đây, Bộ Y tế cho biết: Chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của phần lớn cán bộ y tế; chưa tương xứng nếu so sánh với quá trình đào tạo và với các ngành, lĩnh vực khác là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ y tế khu vực công lập nghỉ việc, bỏ việc thời gian vừa qua.

Chưa có chính sách hỗ trợ thích hợp với học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe (các chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt…) để thu hút học viên, sinh viên giỏi vào học các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, tạo điều kiện thuận lợi khi học xong được phục vụ đúng ngành, chuyên ngành đào tạo trong hệ thống y tế.

Bộ Nội vụ nói gì về đề xuất xếp lương bậc 2, nâng phụ cấp lên 100% cho nhân viên y tế dự phòng và cơ sở?
 - Ảnh 2.

Trong cuộc chiến phòng chổng đại dịch COVID-19 y bác sĩ và nhân viên y tế đã luôn nỗ lực vì sức khoẻ nhân dân

Chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức độ công việc. Trong khi đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 46/NQ-TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm: “Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”.

Vì thế, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP, trong đó nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40-70% lên 100%.

Bên cạnh đó, Chính phủ sớm xem xét và ban hành Nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản.

Bộ Y tế cũng đề xuất chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.

 

Bộ Nội vụ và Bộ Y tế sẽ phối hợp để hướng dẫn việc xếp lương bảo đảm theo tương quan chung cho đội ngũ bác sĩ mới được tuyển

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, thời gian qua ngoài những chính sách đặc thù trước đây, Chính phủ đã quan tâm bổ sung thêm một số chính sách ưu đãi đối với ngành y tế và đội ngũ cán bộ y tế.

Bộ Nội vụ nói gì về đề xuất xếp lương bậc 2, nâng phụ cấp lên 100% cho nhân viên y tế dự phòng và cơ sở?
 - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long Ảnh: VGP

Cụ thể, Chính phủ chuẩn bị ban hành Nghị định sửa Nghị định 56/2011/NĐ-CP để nâng trợ cấp ưu đãi nghề 100%. Riêng đối với nhóm nhân viên y tế thôn bản, hiện nay còn vướng ở Nghị định 34, Bộ Nội vụ thống nhất với phương án của Bộ Y tế để báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết có chính sách đặc thù riêng đối với y tế thôn bản theo chủ trương hưởng 100% phụ cấp.

Ngày 2/8, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50 quy định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, trước đây đội ngũ viên chức ngành y tế có trình độ GS, PGS, TS muốn kéo dài thời gian chuyên môn phải áp dụng theo chính sách của khối cơ sở giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học. Theo quy định mới, các viên chức ngành y tế ở trình độ này vẫn có thể làm ngành y tế kéo dài thời gian hoặc đội ngũ viên chức ngành y tế giữ chức danh hạng 1 như cao nhất là bác sĩ hay dược sĩ cao cấp cũng được kéo dài thời gian công tác 5 năm.

“Những lĩnh vực y tế đặc thù như giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần cũng thuộc đối tượng kéo dài thời gian công tác cho đến khi nghỉ hưu và thêm 5 năm theo quy định mới”, Thứ trưởng Long nói.

Về kiến nghị xét lương bậc 2 so với tuyển dụng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, theo chức năng thẩm quyền, Bộ Y tế có kiến nghị, do đặc thù của ngành y tế là thời gian đào tạo, thực hành trước khi hành nghề, sau khi tốt nghiệp đại học dẫn đến thời gian để bắt đầu vào làm nghề dài hơn. Vì vậy kiến nghị xét lương bậc 2 so với tuyển dụng. Đối với kiến nghị này, trước đây thực hiện chế độ chính sách thăng hạng đã tính ưu tiên đối với trường hợp bác sĩ tốt nghiệp từ chuyên khoa 2, thời gian thăng hạng ngắn hơn.

Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ và Bộ Y tế sẽ phối hợp để hướng dẫn việc xếp lương bảo đảm theo tương quan chung cho đội ngũ bác sĩ mới được tuyển..

Sớm sửa Thông tư về định mức biên chế và số lượng người làm việc trong các đơn vị của ngành y tế

Về nội dung liên quan đến nhân viên y tế bỏ việc có nguyên nhân do chế độ tiền lương thấp, đại diện Bộ Nội vụ cho biết việc nâng cao chính sách, chế độ cần đảm bảo tương quan giữa các ngành nghề.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế xây dựng chính sách đổi mới cơ chế tự chủ, tăng tính tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành y tế trong vấn đề tuyển dụng nhân lực, bố trí nguồn nhân lực đủ cho nhu cầu.

Bộ Nội vụ đang soạn thảo dự thảo Nghị định về cơ chế hợp đồng để làm chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập để trình Chính phủ. Theo đó, các đơn vị tự chủ một phần được quyền ký hợp đồng làm chuyên môn. Bộ Nội vụ cũng đề xuất ký hợp đồng theo hướng nguồn thu tự chủ của đơn vị để đáp ứng số thiếu so với định mức.

Theo đúng lộ trình, Bộ Y tế cần phối hợp sớm với Bộ Nội vụ để sớm sửa thông tư về định mức biên chế và số lượng người làm việc trong các đơn vị của ngành y tế để làm sao sau khi Nghị định ban hành, các địa phương, các đơn vị sự nghiệp của ngành y tế có căn cứ triển khai thực hiện.

Theo Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), chế độ chính sách cho nhân viên y tế lạc hậu, chậm thay đổi.

Cụ thể:

– Mức phụ cấp trực 24/24 là 115.000 đồng/người/phiên trực, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt là quá thấp, không còn phù hợp với tình hình vật giá thực tế.

– Mức phụ cấp phẫu thuật cho ca mổ loại đặc biệt là 280.000 đồng /ca, ca mổ loại 1 là 125.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính là không còn phù hợp, một ca mổ đặc biệt thông thường kéo dài 4-6 giờ thậm chí có ca trên 8 giờ như phẫu thuật tim liên quan đến động mạch chủ vẫn chỉ nhận được mức phụ cấp là 280.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính thật sự không tương xứng với sức lao động của người bác sĩ.

Thái Bình – Sức khỏe & đời sống

Tags: