Đột quỵ – Biến chứng nguy hiểm của mỡ máu cao

Mỡ máu cao có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có đột quỵ – “thủ phạm” cướp đi sinh mạng của hàng triệu người mỗi năm.

Mỡ máu cao – Nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ

Đột quỵ còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng tổn thương não cấp tính do mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ, thường xảy ra đột ngột với các triệu chứng như: Đau đầu dữ dội, tê yếu hoặc liệt vùng mặt, tay chân, rối loạn ngôn ngữ, tri giác…

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 17 triệu người bị đột quỵ trên toàn cầu, trong đó 5 triệu người chết và 5 triệu người tàn tật vĩnh viễn. Tại Việt Nam, có khoảng 200.000 người đột quỵ mỗi năm. Hơn 50% trong số đó tử vong, chỉ có 10% sống sót là hồi phục hoàn toàn, còn lại là có hồi phục nhưng kèm theo rất nhiều di chứng về thần kinh, vận động như: Liệt nửa người, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm trí nhớ…

Đột quỵ - Biến chứng nguy hiểm của mỡ máu cao - Ảnh 1.

Có nhiều nguyên nhân gây ra đột quỵ nhưng yếu tố hàng đầu là do mỡ máu cao (rối loạn mỡ máu). Theo thống kê, khoảng 93% người đột quỵ não có rối loạn mỡ máu. Đó là do mỡ xấu trong máu tăng cao, các phân tử mỡ bám vào thành mạch, lâu dần hình thành mảng xơ vữa làm hẹp lòng mạch. Khi các mảng xơ vữa bong ra, sẽ tạo thành các cục máu đông di chuyển khắp cơ thể. Nếu các cục máu đông làm tắc động mạch não thì sẽ gây đột quỵ thể thiếu máu não. Đây là thể đột quỵ thường gặp nhất, chiếm 75 – 85% các trường hợp đột quỵ.

Theo Ths.BS Nguyễn Thị Hằng (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh), mỡ máu cao nếu phát hiện, điều trị sớm sẽ dự phòng được nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, đáng lo ngại là bệnh lại diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng điển hình ở giai đoạn đầu nên rất dễ bị bỏ qua. Tại nước ta, cứ 10 người trưởng thành thì có 3 người bị mỡ máu cao song ¾ người bệnh không biết mình mắc bệnh. Đến khi các mảng xơ vữa hình thành ở thành mạch gây ra các triệu chứng điển hình như hoa mắt chóng mặt, tê bì chân tay thì đã là giai đoạn nặng, người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ đột quỵ bất cứ lúc nào.

Kiểm soát mỡ máu cao để dự phòng đột quỵ

Để phát hiện sớm mỡ máu cao nhằm dự phòng đột quỵ, người từ 20 tuổi đến dưới 40 tuổi nên xét nghiệm mỡ máu định kỳ 5 năm 1 lần. Nếu có các yếu tố nguy cơ như béo phì, tăng huyết áp, gia đình có nhiều người bị mỡ máu cao… thì nên kiểm tra thường xuyên hơn. Với những người trên 40 tuổi, nguy cơ máu nhiễm mỡ gia tăng theo tuổi tác nên xét nghiệm mỡ máu định kỳ 6 tháng 1 lần.

Nếu phát hiện chỉ số mỡ máu cao, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống, hạn chế các thực phẩm chứa chất béo có hại như: Da, mỡ, nội tạng động vật, đồ ăn nhanh… Tăng cường các loại rau, hạt, trái cây chứa nhiều chất xơ để giảm hấp thu chất béo không tốt cho sức khỏe. Đồng thời, tích cực tập luyện thể dục thể thao để đốt cháy mỡ, giảm năng lượng dư thừa.

PV

Theo: https://suckhoedoisong.vn/

Tags: