Nghề điều dưỡng vừa là ngành khoa học và nghệ thuật

Hơn một nửa cán bộ y tế cả nước là các điều dưỡng, họ chính là những nhân viên y tế âm thầm, hy sinh cống hiến ngày đêm vì sức khỏe người bệnh.

Ngày 26/10/1990, Chính phủ thông qua quyết định số 375  thành lập Hội Y tá – Điều Dưỡng Việt Nam và sau này đổi tên thành Hội Điều Dưỡng Việt Nam.

Từ những năm 1945 đến 1990, mọi người thường chỉ biết đến nghề y tá, nhưng từ năm 1990 đến nay đã đổi tên Hội Y tá-Điều dưỡng Việt Nam thành Hội Điều dưỡng Việt Nam. Từ đó đến nay, điều dưỡng được coi là một nghề, được đào tạo bài bản, có nhiều trình độ từ cao đẳng, đại học, thạc sĩ /chuyên khoa cấp 1 và đến nay có tiến sĩ điều dưỡng và tiến tới sẽ có chuyên khoa cấp 2 tương đương trình độ như bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1 và 2.

Hơn một nửa cán bộ y tế cả nước là các điều dưỡng, họ chính là những nhân viên y tế âm thầm, hy sinh cống hiến ngày đêm vì sức khỏe người bệnh nhưng ít  khi được người bệnh và người nhà bệnh nhân coi trọng. Thực tế, điều dưỡng viên là người không thể thiếu để cộng tác với bác sĩ và các thành viên khác trong ê kíp y tế.

Ngành y tế không thể đạt được mục tiêu an toàn, chất lượng và hài lòng của người bệnh nếu dịch vụ do điều dưỡng viên, hộ sinh viên và kỹ thuật viên cung cấp chất lượng kém.

Nghề điều dưỡng vừa là ngành khoa học và nghệ thuật - Ảnh 1.

Điều dưỡng viên là người không thể thiếu để cộng tác với bác sĩ

Để phát triển ngành điều dưỡng phù hợp với xu hướng quốc tế, chúng ta cần hiểu điều dưỡng là ngành khoa học và nghệ thuật. Đây thực sự là ngành khoa học đa khoa có nhiều chuyên khoa sau đại học. Ngoài ra, điều dưỡng cũng là một nghề đòi hỏi nghệ thuật giao tiếp ứng xử để chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp. Để thành một người điều dưỡng chuyên nghiệp cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian đào tạo, tích lũy kinh nghiệm, đối mới sáng tạo trong nghề nghiệp.

Các điều dưỡng hiện nay, họ không chỉ chịu những áp lực rủi ro nghề nghiệp nói chung của ngành y tế như bệnh nghề nghiệp, lây nhiễm do vi sinh, các bệnh lây nhiễm như lao, viêm gan A, B, bị nhiễm hóa chất, các bệnh liên quan đến phóng xạ, vật lý, mà rất nhiều vấn đề về tâm lý bị ảnh hưởng.  Nghiên cứu mới nhất của hội điều dưỡng cho thấy 56,6% cán bộ y tế bị trầm cảm do chăm sóc bệnh nhân ung thư, họ thường bị căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ.

Hiện nay, tỷ lệ ung thư của Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng, do đó, cán bộ điều dưỡng trong lĩnh vực này càng vất vả hơn. Một vấn đề quan trọng nữa là sự hợp tác của bệnh nhân trong việc tuân thủ các phương pháp điều trị, nghệ thuật của cán bộ điều đưỡng là để người bệnh hiểu và phối hợp trong việc tuân thủ điều trị.

Nghề điều dưỡng vừa là ngành khoa học và nghệ thuật - Ảnh 2.

Điều dưỡng cần phải có nghệ thuật giao tiếp để người bệnh tin tưởng

Tuy nhiên, vì trình độ người dân khác nhau nên  đòi hỏi cán bộ phải có nghệ thuật giao tiếp để người bệnh tin tưởng, muốn vậy người làm nghề cần phải có tấm lòng chân thành của người thầy thuốc.

Muốn chăm sóc người bệnh cần phải có kiến thức, chuyên nghiệp, tận tâm và nghệ thuật là vậy, nhưng bản thân người điều dưỡng còn rất nhiều khó khăn về điều kiện làm việc, bảo hộ, trang thiết bị, đời sống, thu nhập thấp…

Qua kết quả điều tra từ 55.162 điều dưỡng trên toàn quốc, kể cả trong và ngoài công lập của Hội Điều dưỡng Việt Nam: Tỷ lệ hài lòng của điều dưỡng về nghề nghiệp thấp chỉ (27,2%); hài lòng về lương và phúc lợi (35,1%); công việc, cơ hội học tập và thăng tiến (51,2%); môi trường làm việc (53,3%) và điều dưỡng hài lòng cao nhất là với đồng nghiệp 67%.

Trong giai đoạn 2 năm sau chống dịch COVID-19 vừa qua,  thu nhập của hầu hết điều dưỡng ở các bệnh viện hiện nay giảm, áp lực lớn. Nhưng vượt lên tất cả, các điều dưỡng của Việt Nam vẫn luôn tận tâm với nghề, vượt qua bao khó khăn đời thường, đã lao vào tâm dịch cùng đội ngũ bác sĩ cứu sống nhiều bệnh nhân trong giai đoạn dịch COVID-19.

Thanh Bình – Sức khỏe và đời sống

Tags: