Tiêm phòng cúm cho người cao tuổi mắc bệnh tim mạch giúp giảm nhập viện và tử vong…

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Bệnh Truyền nhiễm cho thấy, vaccine cúm làm giảm tỷ lệ tử vong tại bệnh viện và số lần tái nhập viện đối với người lớn tuổi mắc bệnh tim mạch.

Bệnh cúm có thể gây tử vong và đại dịch trên toàn cầu. Tuy nhiên, bệnh cúm có thể được ngăn ngừa bằng cách tiêm chủng hàng năm. Vaccine đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong việc chống lại bệnh cúm mùa.

Người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, nhưng hiện có rất ít nghiên cứu về việc tiêm chủng ảnh hưởng như thế nào đến việc nhập viện đối với người lớn tuổi mắc bệnh tim mạch.

Giáo sư Yuangmu Huang, Trường Sức khỏe cộng đồng thuộc Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc và các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu đánh giá việc tiêm phòng cúm trên nhiều loại bệnh, đặc biệt ở người lớn tuổi mắc bệnh tim mạch.

Lợi ích của tiêm phòng cúm ở người cao tuổi mắc bệnh tim mạch - Ảnh 1.

Tiêm phòng cúm đã giảm 15% nguy cơ tử vong khi nhập viện ở bệnh nhân tim mạch.

Ông và các đồng nghiệp đã trích xuất dữ liệu từ cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế tại Bắc Kinh từ tháng 1 năm 2013 đến tháng 12 năm 2019 để kiểm tra 713.488 hồ sơ của người lớn ≥ 60 tuổi bị mắc bệnh tim mạch phải nhập viện. Đối tượng được đưa vào nghiên cứu, chẩn đoán ban đầu là đột quỵ và bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng cơ sở dữ liệu tiêm phòng cúm cho người cao tuổi ở Bắc Kinh để xác định tình trạng tiêm chủng của bệnh nhân để xem liệu việc tiêm phòng cúm có ảnh hưởng đến tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong sau nhập viện hay không?

Họ phát hiện ra rằng chỉ có 13,3% người lớn tuổi nhập viện vì bệnh tim mạch đã được chủng ngừa cúm. Bệnh nhân được tiêm chủng thường là nữ, lớn tuổi hơn, ít đến khám bệnh nội trú hơn và ít mắc bệnh đi kèm hơn.

Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng trong các mùa cúm từ 2013-2019, 7822 bệnh nhân bị mắc bệnh tim mạch đã tử vong. Có 110.180 ca tái nhập viện trong đó 69.459 ca liên quan đến bệnh tim mạch và 7909 ca bệnh hô hấp.

Gs. Huang và cộng sự báo cáo rằng tiêm phòng cúm đã giảm 15% nguy cơ tử vong khi nhập viện ở bệnh nhân tim mạch. Tỉ lệ này cao hơn đối với bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu cục bộ là 19%. Tỷ lệ tử vong do đột quỵ xuất huyết giảm 13%. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng việc tiêm phòng cúm cũng làm giảm các trường hợp nhập viện tái phát.

Những phát hiện này bổ sung vào cơ sở bằng chứng hỗ trợ khuyến nghị tiêm phòng cúm hàng năm ở người lớn tuổi.

Các nhà nghiên cứu kết luận, cần phải có những can thiệp toàn diện để cải thiện mức độ bao phủ của việc tiêm phòng cúm ở người lớn tuổi nhập viện vì bệnh tim mạch để ngăn ngừa các kết quả bất lợi.

Minh Anh – Sức khỏe và đời sống

Tags: