Vai trò của y tế cơ sở trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Ngày 27/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo về định hướng phát triển cơ sở y tế trong tình hình mới, khu vực phía Bắc.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định: Từ khi thành lập nước đến nay, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách nhằm không ngừng củng cố, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở.

Ngày 22/1/2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Chỉ thị số 06 CT/TW về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Đây là một văn bản chỉ đạo quan trọng của Đảng với nội dung riêng về y tế cơ sở, yêu cầu các cấp ủy đảng, các cấp, ngành, đoàn thể quán triệt, nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của mạng lưới y tế cơ sở; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Ban Bí thư khóa XI đã chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW và ban hành Kết luận số 126-TB/TW đánh giá những kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và định hướng tổ chức triển khai Chỉ thị, tăng cường củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, Ban Bí thư đã giao Ban cán sự Đảng Bộ Y tế chủ trì chuẩn bị Đề án xây dựng “Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới”, trình Ban Bí thư trong tháng 5/2023.

Thời gian qua, Ban cán sự đảng Bộ Y tế đã xây dựng đề cương, tổng hợp báo cáo, tiếp thu ý kiến của bộ, ngành, địa phương… để hoàn thiện dự thảo hồ sơ đề án lần thứ 3. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Y tế đánh giá cụ thể, toàn diện hơn nữa về thực trạng công tác y tế cơ sở hiện nay, chỉ ra những vấn đề cấp bách cần khắc phục để phát triển hệ thống y tế cơ sở. Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận các nội dung, để Ban cán sự đảng Bộ Y tế hoàn thiện Chỉ thị của Ban Bí thư với những nhiệm vụ, giải pháp khả thi, phù hợp với bối cảnh, thực trạng, điều kiện kinh tế – xã hội và quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về công tác y tế cơ sở trong tình hình mới, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá về việc tổ chức thực hiện, kết quả thực hiện; việc chỉ đạo, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, chính sách thực hiện Chỉ thị số 06-CT/T. Đồng thời làm rõ nguyên nhân, hạn chế, tồn tại trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai Chỉ thị số 06-CT/TW, Kết luận số 126-TB/TW; kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tới.

Trạm Y tế Tân Phương – Thanh Thủy

Theo các đại biểu, sau 20 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở đã có sự chuyển biến rõ rệt về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của y tế cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Các cấp, ngành đã nhận thức sâu sắc các quan điểm của Đảng, định hướng công bằng, hiệu quả, phát triển của hệ thống y tế Việt Nam; trong đó củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt là y tế xã/phường và thôn/bản là nhiệm vụ quan trọng của ngành Y tế và các cấp chính quyền địa phương.

Các địa phương coi củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; đề ra các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai; đẩy mạnh mối quan hệ của các ban, ngành, đoàn thể để phối hợp với ngành Y tế trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; củng cố, đổi mới hoạt động của Ban Chăm sóc sức khỏe nhân dân từ cấp tỉnh/thành đến cấp xã/phường. Nhận thức của người dân cũng có nhiều tiến bộ, tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe triển khai tại cộng đồng…

Kết quả, qua 20 năm, các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân Việt Nam được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình tăng từ 71,3 năm 2002 lên 73,6 năm 2022, cao hơn trung bình thế giới (73) và nhiều nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương. Chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu của Việt Nam năm 2020 đạt 70/100 điểm, cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (61 điểm) và của toàn cầu (67 điểm). Việt Nam được quốc tế đánh giá cao trong thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ; có được những thành tựu quan trọng như vậy là có sự đóng góp rất lớn của mạng lưới y tế cơ sở…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW và Kết luận số 126-TB/TW vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở mới chỉ tập trung nhiều tới điều trị cho người bị bệnh, chưa chú trọng đúng mức đến phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, phát hiện bệnh sớm và quản lý bệnh. Hệ thống y tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức như già hóa dân số nhanh, thay đổi mô hình bệnh tật với sự gia tăng bệnh không lây nhiễm, diễn biến khó lường của một số dịch bệnh mới, biến đổi khí hậu, công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Với quan điểm y tế cơ sở là nền tảng của hệ thống Y tế Việt Nam, phát triển y tế cơ sở là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội và mỗi người dân, các đại biểu thể hiện sự đồng tình đối với các giải pháp được Đề án đề ra, đó là: Tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo cung ứng đủ thuốc, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế, tạo niềm tin cho người dân; đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của y tế cấp xã. Đồng thời, các giải pháp tiếp theo là: đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ sở; tăng cường nguồn nhân lực; đẩy mạnh hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe; nâng cao trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu…

Phúc Hằng (TTXVN)

Tags: