Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh dại năm 2024 với chủ đề “Chung tay phá vỡ rào cản – phòng chống bệnh dại”

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó. Khi đã lên cơn dại, kể cả người và động vật đều dẫn đến tử vong. Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.

 Cho tới nay, bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm thế giới ghi nhận trung bình 60.000 ca tử vong do dại. Tức là cứ 9 phút lại có một người, 40% trong số đó là trẻ em sống ở Châu Á và Châu Phi. Vào năm 2015, thế giới đã kêu gọi hành động bằng cách đặt mục tiêu không có trường hợp tử vong do bệnh dại do chó gây ra ở người vào năm 2030 trên toàn thế giới. Bệnh dại được đưa vào lộ trình kiểm soát toàn cầu các bệnh nhiệt đới bị lãng quên đoạn 2021-2030 của Tổ chức Y tế thế giới.

Để tăng cường công tác truyền thông phòng chống bệnh dại nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và chính quyền các cấp về bệnh dại, giảm thiểu các ca tử vong do bệnh dại gây ra và giảm thiểu người bị tai nạn do động vật cắn nhằm hướng tới mục tiêu khống chế và loại trừ bệnh dại vào năm 2030, Tổ chức Y tế Thế giới phát động hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh dại lần thứ 18 vào ngày 28/9/2024 với chủ đề “Chung tay phá vỡ rào cản – phòng chống bệnh dại”.

Ở nước ta, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm và là một trong số các bệnh truyền nhiễm có số ca tử vong cao nhất. Thời gian qua, công tác phòng chống bệnh dại đã được quan tâm đẩy mạnh và đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp với số ca tử vong cao, đặc biệt có chiều hướng gia tăng liên tục trong thời gian gần đây sau đại dịch Covid. Năm 2021, trên cả nước có 66 trường hợp bị tử vong, năm 2022 số ca tử vong lại tiếp tục tăng lên 70 ca, năm 2023 đã có 82 ca và 7 tháng đầu năm 2024 đã xảy ra 65 ca tử vong, tăng 10% so với cùng kỳ 2023 (59 ca). Bệnh đặc biệt tăng cao ở các tỉnh như Bình Thuận (8 ca) Đắk Lắk (5 ca), Gia Lai (5 ca), Nghệ An (5 ca), Bến Tre (4 ca), Tây Ninh (4 ca), Hòà Bình (3 ca),….Bên cạnh đó, số người bị chó mèo và các loại động vật khác lên tới gần 700.000 người mỗi năm gây tổn thất lớn về tính mạng, sức khỏe tinh thần và kinh tế của người dân.

Tiêm vắc xin và huyết thanh phòng dại tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ

Tại tỉnh Phú Thọ, tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh dại, tương đương so với cùng kỳ năm 2023. Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh dại lần thứ 18 vào ngày 28/9/2024 với chủ đề “Chung tay phá vỡ rào cản – phòng chống bệnh dại”, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai tập trung vào các hoạt động tăng cường truyền thông sâu rộng, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cộng đồng trong phòng chống bệnh Dại như: tiếp tục phát sóng, đăng tải các thông điệp, tin bài phóng sự…về bệnh Dại ở động vật, ở người và các biện pháp phòng chống trên phương tiện thông tin đại chúng, website Sở Y tế, đặc biệt là phối hợp sử dụng hiệu quả truyền thanh xã; Tổ chức lồng ghép hoạt động truyền thông vào hoạt động của mạng lưới y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, tuyên truyền viên các ban ngành, đoàn thể (nông dân, phụ nữ, thanh niên, người cao tuổi…) tại cộng đồng; phối hợp giữa ngành Y tế – Thú y tổ chức hội nghị tọa đàm, nói chuyện trực tiếp với người dân các huyện/xã có ổ dịch bệnh dại trên động vật; tăng cường tuyên truyền phòng chống bệnh dại tại các khu dân cư nơi tập trung đông người, các xã, phường, thị trấn nhằm tạo nên sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng trong phòng chống bệnh dại.

Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành và trạm Y tế các xã, phường, thị trấn phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống các bệnh dịch nguy hiểm trên người, Ban chỉ đạo phòng chống các bệnh dịch trên động vật các cấp chỉ các đơn vị chức năng và các ban ngành, đoàn thể của huyện/xã tổ chức chiến dịch “Vận động nhân dân xích, nhốt chó không để chó chạy rông”; vận động người dân nuôi chó, mèo đi tiêm phòng để nâng cao tỷ lệ chó được tiêm vắc xin đạt 85% so với tổng đàn./.

Đào Lan tổng hợp

Tags: