Người phụ nữ 67 tuổi, răng kém, gần đây xuất hiện những cơn đau bụng quanh rốn, có lúc theo cơn, kèm buồn nôn nhưng không nôn, đại tiện táo đã phải vào viện để điều trị.
Các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp – LCK, TTYT huyện Thanh Thủy, Phú Thọ tiếp nhận bệnh nhân T.C địa chỉ ở xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy, thăm khám, cho chỉ định các cận lâm sàng cần thiết để kiểm tra.
Kết quả siêu âm, chụp cắt lớp vi tính cho thấy bà C. có hình ảnh khối bã thức ăn trong DIII tá tràng và được chẩn đoán: Tắc ruột do bã thức ăn.
Bệnh nhân được chỉ phẫu thuật mổ mở ruột non lấy bã thức ăn. Sau phẫu thuật bã thức ăn đã được lấy ra, bà tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Khoa Ngoại Tổng hợp – LCK. Sau 5 ngày phẫu thuật, sức khỏe bà C đã ổn định và sẽ được ra viện trong vài ngày tới.
Theo bác sĩ TTYT huyện Thanh Thủy, nguyên nhân bà C. phải vào viện cấp cứu là bệnh nhân răng kém, nên khi ăn có thói quen nhai không kỹ. Nếu thức ăn không được nhai kỹ, thức ăn có thể vẫn không được tiêu hóa khi đi qua dạ dày đến ruột, điều này có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong ruột, từ đó dẫn đến đầy hơi và, táo bón, đau bụng…
Tắc ruột do bã thức ăn là một trong những cấp cứu ngoại khoa thường gặp. Đây là hiện tượng người bệnh bị một khối bã thức ăn (bã thức ăn thực vật, bã thức ăn động vật, khối lông tóc hoặc khối hỗn hợp nhiều loại) hình thành ở dạ dày rồi di chuyển xuống ruột non, gây ứ đọng và bị nén chặt cứng dẫn tới tắc ruột non. Hầu hết các trường hợp người bệnh tắc ruột do bã thức ăn đều phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật mới lấy khối bã ra ngoài được.
Nếu không điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ thiếu máu ruột, vỡ ruột, nhiễm trùng ổ bụng, rối loạn điện giải, nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong.
Người bệnh nếu có triệu chứng đau, chướng bụng bất thường, không được chủ quan tự ý mua thuốc về uống cần phải đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị kịp thời.
Mai Ngân
Tags: tắc ruột