Bảo đảm an toàn thực phẩm trong mùa mưa lũ

  Những ngày này, người dân tại các tỉnh miền Bắc đang phải đối mặt với hậu quả nặng nề sau cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão. Cùng với công tác khắc phục hậu quả kinh tế, vấn đề an toàn thực phẩm, dịch bệnh trong mùa bão lũ được đặc biệt quan tâm.

Khi có mưa bão, lũ lụt, việc ăn uống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi, nơi điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Lũ lụt, ngập úng kéo dài và các thay đổi bất thường về thời tiết là những điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, gây tình trạng ô nhiễm thực phẩm như ôi, thiu, mốc và sinh độc tố. Do đó, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau khi xảy ra bão cũng như ngăn ngừa bệnh dịch sau lũ lụt là vô cùng quan trọng.

Nước lũ có thể bị ô nhiễm bởi các vi sinh vật có hại, chất độc từ nước thải, động vật, chất thải nông nghiệp, công nghiệp và một số chất khác có thể gây bệnh. Bất kỳ thực phẩm, bao bì, bề mặt và dụng cụ nấu ăn nào tiếp xúc với nước lũ đều có thể bị ô nhiễm và không an toàn. Nguồn cung cấp nước cũng có thể không an toàn. Tình trạng mất điện khi lũ lụt ảnh hưởng đến việc làm lạnh, bảo quản và nấu ăn thực phẩm.

Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa mưa lũ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh truyền thông khuyến cáo người dân, cần lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, chủ động dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, các hoá chất sát khuẩn của ngành Y tế. Khi bão, lũ xảy ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thuỷ sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng trong mùa mưa bão. Vệ sinh, khử khuẩn môi trường xung quanh, nguồn nước sử dụng sau khi hết ngập lụt theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.

Một số lưu ý đảm bảo an toàn thực phẩm trước và sau lũ lụt mỗi người dân cần quan tâm như:

Chuẩn bị trước khi lũ lụt: Người dân đang sinh sống ở khu vực có thể bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, nên di chuyển thực phẩm và nhu yếu phẩm đến khu vực khác, tránh xa nơi dự kiến có lũ lụt. Bảo quản thực phẩm trên cao và trong các hộp đựng an toàn, tránh xa nước lũ. Sử dụng đá lạnh hoặc túi và hộp đựng cách nhiệt để giữ lạnh thực phẩm nếu mất điện. Chuẩn bị sẵn một số đồ dùng thiết yếu như nước đóng chai, thực phẩm khô để được lâu như lương khô, bánh dinh dưỡng, thuốc khử trùng và nước rửa tay.

Sau khi lũ đi qua mỗi người dân cần thực hiện các nguyên tắc bảo đảm an toàn thực phẩm sau: Đảm bảo thực phẩm an toàn khi ăn, thực phẩm không bị nhiễm bẩn (tức là không tiếp xúc với nước lũ) và được bảo quản ở nhiệt độ an toàn, đặc biệt là đối với thực phẩm cần giữ lạnh; chỉ thực phẩm trong lọ hoặc hộp kim loại kín, chưa mở, không bị hư hỏng, chống nước, kín khí mới được coi là an toàn sau khi đã được vệ sinh và khử trùng trước khi sử dụng; nên vứt bỏ bất kỳ thực phẩm nào có thể không an toàn do đã tiếp xúc với nước lũ; không nếm hoặc nấu thực phẩm bị ảnh hưởng bởi lũ lụt – ngay cả thực phẩm trông hoặc có mùi an toàn cũng tiềm ẩn nguy hiểm; cần đảm bảo tất cả những thứ dùng để bảo quản, nấu và ăn thực phẩm đều an toàn trước khi sử dụng lại; vệ sinh, khử trùng đúng cách tất cả các bề mặt và thiết bị đã tiếp xúc với nước lũ; khi cần xử lý nước bằng clo hoặc iốt – hãy làm theo hướng dẫn trên chai hoặc gói; thực hiện ăn chín uống sôi trong điều kiện cho phép và nếu được thì nấu ăn gọn từng bữa, không để thức ăn lưu cữu; rửa sạch tay trước và trong quá trình chế biến đồ ăn, sau khi đi vệ sinh; sử dụng nước rửa tay khô nếu không có nước sạch và xà phòng./.

Đỗ Hằng

Tags: