Vừa qua, Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy tiếp nhận trường hợp người bệnh nam, 18 tuổi, vào viện do tự tử bằng thuốc diệt dán. Qua chia sẻ từ gia đình được biết người bệnh rất ít khi ở nhà và cũng không thường xuyên nói chuyện với mọi người trong gia đình. Cách vào viện 1 giờ gia đình phát hiện người bệnh bất tỉnh, gọi hỏi không trả lời nên đã nhanh chóng đưa người bệnh tới cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy.
Trước đó, Trung tâm cũng tiếp nhận trường hợp người bệnh nam 16 tuổi, vào viện do tự tử bằng thuốc diệt muỗi. Được biết do người bệnh có mâu thuẫn, cãi vã với gia đình nên đã uống thuốc diệt muỗi để tự tử.
Rất may mắn, cả 2 trường hợp trên gia đình đã phát hiện và đưa tới Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên tổn thương tâm lý có thể còn ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của người bệnh.
Theo chia sẻ của BSCKI. Phùng Thị Thúy Nga – Trưởng khoa Cấp cứu, HSTC và CĐ, Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy: Thời gian vừa qua, khoa tiếp nhận rất nhiều trường hợp người bệnh tự tử, trong đó có cả trẻ vị thành niên và người lớn. Nguyên nhân chủ yếu được chia sẻ là do mâu thuẫn gia đình, mẫu thuẫn bạn bè, áp lực từ kỳ vọng của gia đình, …
Đặc biệt trong số đó có rất nhiều trường hợp trong độ tuổi vị thành niên tự tử chỉ vì những lý do như: bị cha mẹ đánh, cha mẹ chưa hiểu mình nên uất ức, tủi thân, bị bạn bè trêu chọc, điểm kém mà đã có ý định từ bỏ cuộc sống của mình… Ở độ tuổi vị thành niên, những thay đổi về nhận thức, thể chất, tâm lý và cảm xúc thường làm cho trẻ nhạy cảm hơn với mọi thứ xung quanh. Trẻ gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh để thích nghi trong mối quan hệ với mọi người và những vấn đề khác trong cuộc sống. Những áp lực vô hình trong cuộc sống hàng ngày của trẻ, nếu không được chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực trong trẻ ngày càng nhiều thêm. Đây là yếu tố có thể dẫn đến những rối loạn tâm lý và làm tăng nguy cơ tự tử ở trẻ vị thành niên. Chính vì vậy cha mẹ nên dành nhiều thời gian để lắng nghe con, giải thích để con hiểu và dẫn dắt con đi đúng hướng. Cha mẹ tuyệt đối đừng vì bất lực, nóng giận mà nói ra những lời nhục mạ, xúc phạm, thậm chí là cấm đoán, ép buộc, bạo hành thân thể, bạo hành tinh thần trẻ. Cha mẹ hãy động viên, đừng nên phán xét những lỗi sai, những mục tiêu, cố gắng mà trẻ đang hướng đến. Cha mẹ cần luôn dõi theo con để kịp thời can thiệp, giúp đỡ con giải tỏa những lo âu, thay đổi những suy nghĩ lệch lạc của con.
Ngoài ra, cha mẹ không nên áp đặt thành tích học tập hoặc kỳ vọng quá cao vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Cha mẹ nên biết nguyện vọng của con như thế nào, để hướng cho con đi đúng theo sở thích, niềm đam mê của con. Đừng cố áp đặt con theo mong muốn của cha mẹ.
=====================================================




Tags: ngộ độc