Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2024: Hành trình xanh – Cùng chung tay bảo vệ môi trường

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn do Ôxtrâylia khởi xướng, được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động hưởng ứng trên phạm vi toàn cầu kể từ năm 1993 (tổ chức định kỳ vào tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm). Đến nay, Chiến dịch đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu lượt người và hơn 180 quốc gia trên toàn thế giới, trở thành phong trào cộng đồng rộng khắp, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của toàn nhân loại đối với các vấn đề về môi trường. Chiến dịch cũng là dịp để tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cùng toàn thể cộng đồng tích cực tham gia các hoạt động thiết thực nhằm cải thiện chất lượng môi trường; thực hiện thu gom, xử lý, tái chế rác thải; kiên quyết từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy… Qua đó giảm bớt gánh nặng cho thiên nhiên và môi trường, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu (BĐKH), hướng đến mục tiêu phát triển bền vững (PTBV).

  Tiếp tục lan tỏa thông điệp, hành động ý nghĩa về bảo vệ môi trường

Việt Nam tham gia hưởng ứng Chiến dịch từ năm 1994 và sự kiện này trở thành hoạt động thường niên, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội, các tỉnh, thành phố cũng như mọi tầng lớp nhân dân trên phạm vi cả nước. Công tác phối hợp, tổ chức triển khai từ Trung ương đến địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường (ÔNMT), gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống sinh kế của người dân, tiêu biểu như: Phong trào trồng cây hướng tới mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động; Phong trào Chống rác thải nhựa; Chiến dịch ra quân làm sạch môi trường…

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2024 với chủ đề “Hành trình xanh – Cùng chung tay BVMT” do Bộ TN&MT phối hợp cùng UBND huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội tổ chức ngày 22/9/2024 là cơ hội để nhìn nhận, xác định các vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong công tác quản lý và BVMT; đồng thời, thống nhất hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức về ÔNMT tại khu vực nông thôn; ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa, hướng tới mục tiêu PTBV đất nước. Sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh niên và người dân, không chỉ đơn thuần là hoạt động cộng đồng có ý nghĩa sâu sắc mà còn là bước đi thiết thực để Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm trong công cuộc bảo vệ hành tinh xanh, chống lại BĐKH.

Phát biểu tại buổi Lễ, thay mặt Lãnh đạo Bộ TN&MT, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT Vũ Minh Lý cho biết, trong những năm qua, khí hậu đã và đang biến đổi nhanh hơn, mạnh hơn dưới tác động của con người, làm gia tăng lượng phát thải khí nhà kính, dẫn đến sự nóng lên toàn cầu, kéo theo hàng loạt những biến động khác trong môi trường tự nhiên. Do đó, các địa phương trên cả nước cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là đối với nội dung thực hiện phân loại chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tại nguồn chậm nhất từ ngày 31/12/2024 theo quy định tại khoản 1, Điều 79 và khoản 1, Điều 75, Luật BVMT năm 2020. Đồng thời, lồng ghép nội dung về kinh tế tuần hoàn (KTTH), kinh tế xanh (KTX), PTBV trong xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị; tiếp tục phát động các phong trào: Ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây, cải thiện, phục hồi môi trường tại khu đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, rạch; làm sạch biển, khu vực ven bờ, trong đó tập trung vào công tác thu gom, thu hồi sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định…

Nhân dịp này, đại diện các tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên và người dân trên địa bàn đã tham gia trồng cây xanh, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường trong khuôn viên Công viên Chu Văn An, hưởng ứng Chiến dịch trồng cây xanh vì một Việt Nam xanh; đạp xe tuần hành, lan tỏa thông điệp BVMT, giảm thiểu ô nhiễm rác thải.

Có thể nói, chung tay hành động vì môi trường, đóng góp tích cực bảo vệ “Ngôi nhà chung – Trái đất” là những hành động ý nghĩa, tạo môi trường sống trong lành, giữ cân bằng sinh thái cho sự phát triển bền vững. Với ý nghĩa đó, mỗi đơn vị, tổ chức, đoàn thể, cá nhân trên cả nước đã tùy vào điều kiện và nguồn lực, thực hiện các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2024 đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tạo thành phong trào thi đua, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, xây dựng đất nước phát triển vững mạnh ở hiện tại và trong tương lai.

Bùi Hằng

Theo váo XHCN

Tags: