CHỦ ĐỘNG PHÒNG TRÁNH SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE

   Trong kỳ nghỉ lễ 2/9 dài ngày vừa qua số lượng người bệnh sốt xuất huyết Dengue đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thuỷ tăng cao.

Người bệnh tới khám với các triệu chứng như: sốt cao liên tục, nhức đầu, buồn nôn, đau mỏi cơ khớp, người mệt mỏi chán ăn, buồn nôn, thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên. Vi rút Dengue có 4 typ huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có các dấu hiệu như:

  • – Sốt cao đột ngột, liên tục.
  •  – Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.
  • – Da xung huyết.
  •  – Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
  •  – Nghiệm pháp dây thắt dương tính.
  • – Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.

Khi có các dấu hiệu trên người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời( Đặc biệt: trẻ sốt cao liên tục trên hai ngày thì phải khẩn trương đưa trẻ đến các cơ sở khám chữa bệnh).

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue( vật trung gian truyền bệnh là muỗi vằn ( Aedes aegypti), nó có thể đưa vi rút gây bệnh vào máu của người bằng cách đốt( chích).

Tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Người dân cần có biện pháp phòng chống bệnh. Cách phòng bệnh tốt nhất: là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

– Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

  • + Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
  • + Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
  • + Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, chum, xô chậu…) hàng tuần.
  • + Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
  • + Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
  • – Phòng chống muỗi đốt:
  • + Mặc quần áo dài tay.
  • + Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
  • + Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…
  • + Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
  • + Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

– Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy – Phú Thọ, người bệnh vui lòng để lại #comment hoặc #inbox cho fanpage để nhận tư vấn chi tiết và đặt lịch khám chuyên gia chuyên khoa

=================================
TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN THANH THỦY
☎ Hotline: 1800.969.666 (miễn cước cuộc gọi)
📌 Địa chỉ : Khu 5, thị trấn Thanh Thủy, Thanh Thủy, Phú Thọ.

Tags: