Điều trị thoái hóa khớp gối bằng tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) tự thân

Thoái hóa khớp là bệnh khớp mạn tính rất thường gặp và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đau và giảm, mất khả năng vận động ở người cao tuổi tại hầu hết các nước trên thế giới. Trong số các vị trí thoái hóa khớp thì thoái hóa khớp gối chiếm tỷ lệ cao. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, trên thế giới vào năm 2000, tỷ lệ thoái hóa khớp gối là 1.770 trên 100.000 nam giới và 2.693 trên 100.000 nữ giới.

Các biện pháp điều trị thoái hóa khớp gối kinh điển

Các phương pháp điều trị bao gồm giáo dục bệnh nhân về cách phòng ngừa bệnh, chống các tư thế xấu, giảm các yếu tố nguy cơ gây nặng bệnh kết hợp điều trị nội khoa và ngoại khoa.

Điều trị nội khoa bao gồm các biện pháp không dùng thuốc như vật lý trị liệu: chiếu tia hồng ngoại, chườm nóng, tắm suối khoáng, đắp bùn… thường đơn giản, dễ làm, ít biến chứng song hiệu quả chưa cao.

Các biện pháp dùng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid có hiệu quả nhanh chóng nhưng do tác động toàn thân hay gây nhiều biến chứng như viêm loét dạ dày hành tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, tăng huyết áp, tổn thương gan, thận… trong đó có biến chứng nặng có thể gây tử vong. Nhóm thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm (glucosamin, diacerein, chondroitin, các chất không xà phòng hóa từ bơ và đậu nành) thường phải dùng kéo dài mới có tác dụng rõ.

Tiêm corticoid tại khớp gối có tác dụng cải thiện triệu chứng nhanh chóng nhưng dùng kéo dài có thể gây tổn thương thoái hóa sụn khớp hoặc gây biến chứng tại chỗ như phản ứng viêm khớp do tinh thể thuốc.

Tiêm chất nhờn acid hyalorunic (HA) vào khớp có tác dụng tái tạo chức năng bảo vệ, bôi trơn và chống xóc cho khớp,nhưng theo nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả không ổn định lâu dài, không có chức năng bảo vệ, tái tạo sụn khớp.

Điều trị ngoại khoa bao gồm đục xương chỉnh trục, nội soi khớp can thiệp, thay khớp gối nhân tạo một phần hay toàn phần chỉ được chỉ định trong những trường hợp có biến đổi giải phẫu khớp hoặc ở giai đoạn muộn của bệnh và thường gây tốn kém nhiều cho bệnh nhân.

Phương pháp dùng huyết tương giàu tiểu cầu(Platelet Rich Plasma – PRP)

Huyết tương giàu tiểu cầu tự thân là huyết tương sau khi tách chiết từ một lượng máu của chính bệnh nhân có nồng độ tiểu cầu cao gấp nhiều lần so với trong máu bình thường. Sở dĩ cần một nồng độ lớn tiểu cầu trong liệu pháp PRP vì khi tiểu cầu được hoạt hóa sẽ dẫn đến quá trình ly giải các hạt α chứa bên trong tiểu cầu, từ đó giải phóng ra nhiều loại protein là các cytokine chống viêm và hàng chục các yếu tố tăng trưởng có vai trò quan trọng đối với quá trình làm lành vết thương. Các protein trên sẽ gắn vào các thụ thể của các tế bào đích tương ứng như tế bào nguồn gốc trung mô, nguyên bào xương, nguyên bào sợi, tế bào biểu mô, tế bào nội mô… Sự gắn kết này sẽ hoạt hóa một loại protein dẫn truyền tín hiệu nội bào để truyền thông tin tới gen đặc hiệu tương ứng, kết quả là tạo nên sự tăng sinh tế bào, hình thành chất căn bản, các sản phẩm dạng xương, sụn, tổng hợp collagen… tham gia vào quá trình sửa chữa, tái tạo tổ chức tổn thương sụn, xương, phần mềm…

Liệu pháp PRP được thực hiện bằng cách lấy khoảng 30ml máu từ chính người bệnh, sau đó tiến hành ly tâm máu 2 lần trong 8 phút để loại bỏ hồng cầu, bạch cầu, thu về lượng huyết tương có nồng độ tiểu cầu gấp 4-8 lần so với huyết tương bình thường.

Cơ chế hoạt động của PRP là sau khi được kích hoạt (tiêm vào khớp), sẽ phóng thích các yếu tố tăng trưởng, kích thích quá trình làm lành vết thương, thúc đẩy sự tăng sinh của sụn khớp.

Liệu trình điều trị bằng liệu pháp PRP gồm 2-3 mũi, mỗi mũi cách nhau 3-4 tuần.

Thời gian phục hồi có thể là hai tuần hoặc kéo dài đến vài tháng sau một liệu trình điều trị, tùy mức độ tổn thương và tùy từng trường hợp cụ thể. Ngay sau khi tiêm, vùng tổn thương sẽ có phản ứng sưng, căng, đau hơn.Tuy nhiên, triệu chứng này thuyên giảm và hết sau vài ngày. Nếu bị nhiễm trùng da tại chỗ, cần điều trị dứt mới có thể tiêm PRP. Những trường hợp mắc bệnh mạn tính, tuổi cao… có hiệu quả điều trị kém.

Trong năm vừa qua Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy đã thực hiện tiêm huyết tương giàu tiểu cầu cho hơn 100 bệnh nhân, đa số các bệnh nhân đều cải thiện triệu chứng rõ rệt.

Bệnh nhân Hoàng Văn A (54 tuổi – Ba Vì – Hà Nội) đau khớp gối 2 bên nhiều tháng nay, cử động khớp gối có tiếng lục khục, leo cầu thang khó khăn, không thể ngồi xổm. Được chẩn đoán: Thoái hóa khớp gối 2 bên giai đoạn 2, đã điều trị chống viêm giảm đau nhiều đợt, biến chứng viêm dạ dày được tư vấn tiêm huyết tương giàu tiểu cầu khớp gối 2 bên. Sau tiêm 2 đợt  bệnh nhân thấy hết đau khớp gối 2 bên, đi lại vận động dễ dàng hơn, có thể ngồi xổm được.

Bệnh nhân Kiều Thị N (57 tuổi – Sơn Thủy – Thanh Thủy) bị sưng đau gối phải, hạn chế gấp duỗi khớp gối. Được chẩn đoán: Thoái hóa khớp gối phải có phản ứng viêm. Đã điều trị nhiều đợt bằng thuốc uống, thuốc nam, chườm ngải cứu…không đỡ. Sau 2 đợt tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, bệnh nhân đỡ sưng đau khớp, đi lại vận động dễ dàng hơn.

Với tác dụng vượt trội của phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy hi vọng sẽ mang lại sự thay đổi tích cực cho nhiều bệnh nhân thoái hóa khớp gối hơn nữa.

============================
🏥 TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN THANH THỦY
☎️ Hotline: 1800 969 666 (miễn cước cuộc gọi)
⏰ Thời gian làm việc: khám #BHYT thứ 7, chủ nhật và cả ngày NGHỈ, LỄ, TẾT.
🖲 Địa chỉ: Khu 5, thị trấn Thanh Thủy, H. Thanh Thủy, T. Phú Thọ.

Tags: