GIẢM THIỂU CHẤT THẢI NHỰA TRONG Y TẾ

Rác thải nhựa chính là những đồ dùng, vật dụng làm bằng nhựa bị thải ra ngoài môi trường sống sau quá trình sử dụng chúng, các chất thải này có thể phân hủy dưới ánh nắng mặt trời, thế nhưng thời gian cần thiết để chúng phân hủy lại rất lâu, phải đến hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm. Trong khi chờ các sản phẩm này phân hủy, con người sẽ phải sống cùng rác thải nhựa và đưa các chất độc hại từ nhựa thông qua chuỗi thức ăn…

Dinh.jpg
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Do đặc thù ngành, nên chủng loại và khối lượng chất thải nhựa trong y tế rất đa dạng và phát sinh với khối lượng lớn. Cả nước với hơn 13.500 cơ sở y tế cùng hàng chục vạn cán bộ, nhân viên y tế thực hiện chăm sóc, điều trị cho gần 150 triệu lượt bệnh nhân nội trú và hơn 300 triệu lượt người bệnh ngoại trú mỗi năm. Hằng ngày, các cơ sở này thải ra khoảng 450 tấn rác, trong đó có 47 tấn chất thải rắn nguy hại và hơn 125.000m³ nước thải cần được xử lý đặc thù. Đó là chưa kể đến một lượng rác khổng lồ từ hơn 1.000 cơ sở y tế dự phòng, các cơ sở đào tạo y dược, sản xuất thuốc, y tế tư nhân…

xregulated-medical-waste-2.jpg.pagespeed.ic.x6w7hXKKwp.jpg
Rác thải nhựa trong ngành y tế (Ảnh minh hoạ)

Để giải quyết những mối đe dọa toàn cầu từ rác thải nhựa và túi nilông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc với lời kêu gọi: “Ngay từ bây giờ, chúng ta cần có những hành động thiết thực, cụ thể để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, để người dân Việt Nam hiện tại và các thế hệ tương lai, con cháu chúng ta được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững”.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 về giảm thiểu chất thải nhựa trong cơ sở y tế. Trong đó, yêu cầu các cơ sở y tế phải xây dựng kế hoạch, mục tiêu, lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa từ hoạt động chuyên môn y tế; từ sinh hoạt thường ngày của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế; thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định; phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và ni lông khó phân hủy trong đơn vị.

Chất thải nhựa trong cơ sở y tế phát sinh từ những nguồn nào?

Một là, chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động chuyên môn y tế, như vật tư y tế bằng chất liệu nhựa.

Hai là, chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động kinh doanh, cung ứng thuốc, hóa chất.

Ba là, chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động thường ngày từ nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà, người sử dụng dịch vụ y tế.

Bốn là, chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động quản lý chất thải y tế và túi nilon đựng chất thải.

Còn nhiều khó khăn…

Trong ngành y tế, tính ưu việt của các sản phẩm nhựa dùng 1 lần đã góp phần loại trừ, giảm thiểu nhiều nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo các hoạt động chuyên môn y tế được thực hiện đúng theo quy định, đặc biệt những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học. Điều đó đồng nghĩa với việc chủng loại và khối lượng chất thải nhựa trong y tế là đa dạng và phát sinh với khối lượng lớn.

Đối với việc thay thế các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất sử dụng nguyên liệu nhựa bằng vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong các hoạt động chuyên môn y tế cần có lộ trình thực hiện và thay thế từng bước. Bởi, do đặc thù ngành y tế, một số trang thiết bị y tế bằng nhựa hiện nay ngay cả trên thế giới cũng chưa có sản phẩm thay thế phù hợp và an toàn.

Một khó khăn không thể không nhắc tới là vấn đề kinh phí cho việc thay thế sản phẩm thân thiện với môi trường vì các sản phẩm này thường có giá thành cao hơn so với các sản phẩm không thân thiện môi trường.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chất thải nhựa trong y tế, chỉ bằng cách giảm thiểu sử dụng. Vì vậy, bên cạnh quyết tâm của ngành y tế, cần phải có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp sản xuất bao bì, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế, các đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống, hàng hóa trong cơ sở y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và cộng đồng mới có thể thực hiện thành công.

Ngoài ra, do đặc thù trong ngành y tế, việc lưu trú, sinh hoạt của nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại cơ sở y tế cũng làm phát sinh lượng chất thải nhựa dùng một lần trong sinh hoạt rất lớn.

Một số giải pháp

Một là, đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào ngay từ khâu lập kế hoạch mua sắm, lựa chọn các sản phẩm có tính thân thiện với môi trường, hạn chế các sản phẩm dùng một lần từ nhựa.

Hai là, trong hoạt động chuyên môn y tế, tăng cường sử dụng vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng, tái chế như sử dụng găng tay, mũ trùm đầu, bọc giày, khẩu trang bằng giấy hoặc vải, khay inox đựng dụng cụ tế, dịch truyền bằng thủy tinh. Thực hiện đúng chỉ định, hiệu quả các vật tư, dụng cụ y tế làm bằng nhựa chưa thể thay thế được. Sử dụng thuốc bằng đường uống thay bằng đường tiêm nếu có thể. Ứng dụng kỹ thuật số trong chụp CT/XQ/MRI…để hạn chế in phim.

Ba là, trong hoạt động thường ngày: Không sử dụng vật liệu bằng nhựa trong hội nghị, hội thảo, giao ban, cuộc họp, đào tạo, tập huấn… Sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, đồ dùng cung cấp suất ăn cho người bệnh, người nhà, nhân viên y tế và các vật dụng khác sử dụng cho mục đích sinh hoạt làm từ giấy, thủy tinh, tre, nứa, nilon… thân thiện với môi trường. Sử dụng túi giấy, nilon thân thiện với môi trường trong cấp phát thuốc.

Bốn là, trong hoạt động quản lý chất thải, phân loại triệt để chất thải nhựa để thu gom, tái chế và xử lý đúng quy định. Sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường

Năm là, tổ chức ký cam kết “Chống rác thải nhựa” giữa Giám đốc bệnh viện với các trưởng khoa/phòng; ký cam kết giữa trưởng khoa/phòng với toàn thể nhân viên trong bệnh viện và tổ chức thực hiện nghiêm túc, không hình thức.

Sáu là, tăng cường công tác truyền thông để thay đổi nhận thức, hình thành thói quen cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, giúp hạn chế việc phát sinh chất thải nhựa như: Treo băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích; dán thông tin tại bảng truyền thông, nói chuyện sức khỏe tại buổi sinh hoạt của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở các khoa phòng với nội dung về tác hại của chất thải nhựa đến sức khỏe và môi trường,…

Bảy là, phát động phong trào thi đua và vận động mỗi công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thực hiện giảm thiểu, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy; thực hiện nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động của bệnh viện..

Chất thải nhựa không chỉ gây ảnh hưởng trong các cơ sở y tế, mà còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng, xã hội.  Chính vì thế, mỗi người dân nên có các giải pháp cá nhân nhằm hạn chế rác thải nhựa, trước hết là bảo vệ đời sống chính bản thân và gia đình mình, bảo vệ môi trường sống xung quanh, góp phần nâng cao ý thức xã hội.

Sưu tầm

Tags: