“Lá chắn” phòng, chống bệnh tật từ cơ sở

Thời gian qua, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, mạng lưới y tế cơ sở đã được củng cố, nâng cao năng lực, qua đó phát huy tốt vai trò “người gác cổng” trong công tác chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh tật.

Tuy nhiên, hoạt động của các trạm y tế hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt là những diễn biến phức tạp và chưa có tiền lệ của các dịch bệnh mới, cần tiếp tục phải có những biện pháp cụ thể, định hướng lâu dài để các trạm y tế xã, phường, thị trấn tiếp tục phát huy tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Kỳ I: Lửa thử vàng

Hơn hai năm qua là quãng thời gian khó khăn, đầy thử thách đối với ngành y tế bởi dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp và chưa từng có tiền lệ, tuy nhiên đó cũng là tiêu điểm để khẳng định tầm quan trọng của tuyến y tế cơ sở. Nhờ có sự quan tâm, đầu tư nâng cấp mà trong dịch bệnh, các trạm y tế xã, phường, thị trấn đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ phòng, chống bệnh tật, chăm sóc sức khỏe nhân dân từ sớm, từ xa, từ cơ sở, qua đó bảo vệ, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Chuẩn hóa trạm y tế cấp xã

Hiện nay, toàn tỉnh có 225 trạm y tế (TYT) xã, phường, thị trấn (gọi tắt là xã) với trên 1.200 viên chức đang làm việc tại trạm, trong đó có trên 250 bác sĩ, 44 dược sĩ đại học, 100% các trạm đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2020. Việc xây dựng các xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2020 là nhiệm vụ then chốt trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và luôn được hệ thống chính trị toàn tỉnh đặc biệt quan tâm. Để những nhiệm vụ này được triển khai đồng bộ, xuyên suốt, phù hợp với diễn biến tình hình và yêu cầu thực tiễn từng giai đoạn, Sở Y tế đã phối hợp cùng các sở, ngành, các địa phương kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, đề án, kế hoạch mang tính định hướng, chuyên đề theo từng giai đoạn để triển khai đồng bộ những nhiệm vụ quan trọng khác tại tuyến y tế cơ sở, TYT xã.

Căn cứ chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và tình hình thực tiễn tại từng địa phương, Sở Y tế, cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã đã ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch để triển khai kịp thời, đồng bộ nhiệm vụ củng cố y tế cơ sở, xây dựng, duy trì xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, giai đoạn 2012-2020, 100% TYT xã được đầu tư xây mới hoặc cải tạo nâng cấp từ nhiều nguồn vốn khác nhau, đảm bảo đủ diện tích, các phòng chức năng và công trình phụ trợ theo quy định. Đồng thời, các TYT xã đều được trang bị thiết bị y tế cơ bản, đáp ứng danh mục tối thiểu theo quy định như: Tủ bảo quản vắc xin/bệnh phẩm, máy hấp sấy tiệt trùng dụng cụ, bàn tiêm, bàn khám… Một số TYT xã đã được cung cấp các trang thiết bị hiện đại: Máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm nước tiểu, sinh hóa… phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Là địa phương có mức huy động xã hội hóa tương đối cao để xây dựng cơ sở vật chất các TYT, từ năm 2018 đến nay, huyện Thanh Ba đã đầu tư trên 42 tỉ đồng nâng cấp, sửa chữa, xây mới 19/19 TYT xã, thị trấn. Trong đó có trên 12,1 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa, góp phần đảm bảo 100% TYT xã, thị trấn có đầy đủ các phòng chuyên môn, đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới ngay tại tuyến xã. Từ năm 2018 đến nay, các TYT xã tại Thanh Ba đã khám chữa bệnh cho trên 400.000 lượt người bệnh.

Thông qua việc xây dựng các TYT đạt chuẩn, chất lượng khám chữa bệnh, chữa bệnh tại TYT xã đang từng bước được nâng lên. Các nhiệm vụ chuyên môn về dự phòng, khám chữa bệnh, dân số, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em… được thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm. Các chỉ tiêu đều tốt hơn so với bình quân chung cả nước và các tỉnh trong khu vực, qua đó xây dựng, củng cố niềm tin của người dân, thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của TTYT huyện. Đồng thời, 100% TYT xã đã ứng dụng công nghệ thông tin, làm giảm áp lực thời gian, công việc và chi phí hành chính, tăng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, tạo tiền đề số hoá dữ liệu ngành y tế các năm tiếp theo.

“Lá chắn” trước đại dịch COVID-19

Tiến sĩ Lê Quang Thọ – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trong công tác phòng chống COVID-19 của tỉnh, hai trong nhiều điểm mới có liên quan đến TYT xã trở thành bài học kinh nghiệm quý trong ứng phó đại dịch cũng như các thảm họa có tác động sâu sắc tới tính mạng người dân và sức khỏe cộng đồng là khó có thể có đủ nguồn lực để một tỉnh, thậm chí một quốc gia thiết lập, duy trì mạng lưới bệnh viện điều trị nội trú cho hàng chục ngàn người bị lây nhiễm trong cùng thời điểm. Thay vào đó, vai trò nòng cốt của TYT xã và y tế thôn bản đã được khẳng định rõ nét khi thực hiện theo dõi, điều trị, hỗ trợ chăm sóc tại nhà cho 98,6% ca mắc. Thứ hai, kể từ 11/3/2022, Cổng thông tin F0 Phú Thọ đã được triển khai rộng rãi, mang lại hiệu quả rõ rệt và minh chứng cho vai trò của ứng dụng CNTT trong hỗ trợ xử lý dữ liệu liên quan đến khai báo, tự khai báo về tình trạng lây nhiễm, sức khỏe cũng như hỗ trợ xử lý các vấn đề hành chính liên quan cho người dân trên môi trường mạng. Đây là hai bài học thực tiễn quý báu trong giải quyết áp lực quá tải hệ thống y tế và tắc nghẽn các thủ tục hành chính trong ứng phó đại dịch COVID-19 vừa qua.

Sau khi được nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, 23/23 TYT tại huyện Thanh Sơn đều hoạt động có hiệu quả, số lượt khám, chữa bệnh và điều trị tăng. Ứng phó với dịch COVID-19, các TYT xã đã bám sát, chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, tham mưu, xây dựng phương án linh hoạt, phù hợp với đặc điểm tình hình từng địa phương. TYT xã cũng đã phối hợp rà soát, lập danh sách, tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 an toàn, không có tai biến xảy ra. Đến nay, có 99,5% người trên 18 tuổi đã tiêm mũi một; 99,4% tiêm mũi hai; 93,6% tiêm mũi ba.

Hàng năm, các cơ sở y tế công lập khám và điều trị cho khoảng 1,6 triệu lượt người, trong đó khoảng 30% thực hiện tại TYT xã, trên 20% số lượt người bệnh tại tuyến xã được điều trị bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại.

Cùng với các TYT xã, mạng lưới nhân viên y tế thôn bản có ở 100% các khu dân cư với trên 2.300 người. Hàng năm, ít nhất 75% đội ngũ này được luân phiên tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng thực hành trong tuyên truyền, nắm bắt thông tin dữ liệu và phối hợp thực hiện các can thiệp, nâng cao sức khoẻ cộng đồng. Trong đại dịch COVID-19, lực lượng này đã khẳng định vai trò là “cánh tay nối dài” rất hiệu quả, làm giảm tải áp lực và gánh nặng của hệ thống y tế cơ sở.

Chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các TYT đang ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu tiếp cận các dịch vụ y tế gần nhất, có chất lượng, chi phí phù hợp với người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động của các TYT còn không ít khó khăn, dẫn đến những trăn trở cho đội ngũ thầy thuốc làm việc tại đây, vì vậy cần có những biện pháp hữu hiệu để các TYT thực hiện tốt vai trò “người gác cổng” chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Kỳ II: Phát huy vai trò “người gác cổng”

: Lê Hoàng
Theo: https://baophutho.vn/van-de-hom-nay/la-chan-phong-chong-benh-tat-tu-co-so/187490.htm

Tags: