VIÊM DA TIẾP XÚC DỊ ỨNG DO KIẾN BA KHOANG

   Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes, thuộc Họ Staphilinidae, bộ Cánh cứng. Loài côn trùng này có thân mình thon, dài như hạt thóc (dài 1-1,2 cm, ngang 2-3 mm), có hai màu đỏ và đen. Về mặt khoa học thì kiến ba khoang không thuộc họ kiến, nhưng vì nhìn giống con kiến nên người ta hay gọi với nhiều tên gọi khác nhau như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong…

Kiến ba khoang có đầu và bụng dưới màu đen, trong khi ngực và bụng trên lại có màu đỏ, vùng trên giữa phát quang ngũ sắc, óng ánh màu xanh.

Kiến ba khoang thường sống ở đồng ruộng, vườn cây, công trình xây dựng. Chúng xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao, thuận lợi cho kiến phát triển. Đôi khi chúng xuất hiện trong nhà do thu hút bởi ánh đèn.

Loại kiến này không đốt hay cắn nhưng do trong dịch cơ thể của nó có chứa pederin, một loại chất độc gây rộp, phỏng da, là một loại viêm da tiếp xúc kích ứng.

Triệu chứng viêm da tiếp xúc kích ứng do kiến ba khoang :

– Có nhiều mức độ tuỳ thuộc vào diện tích thương tổn hoặc vị trí thương tổn

– Tồn thương gân cảm giác rát bỏng tại chỗ,

– Tổn thương khu trú tại chỗ, nếu trên diện rộng có thể sốt nhẹ, nổi hạch lân cận. thường hay xuất hiện ở vùng da hở: mặt, cổ, tay, chân…

– Tổn thương cơ bản có dạng dát đỏ, thành đám hoặc thành vệt theo vết gãi, hoặc đối xứng ở vùng nếp gấp, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục.

Đôi khi bệnh nhân hay nhầm lẫn với Zona – “Giời leo”…

Cách xử trí

– Ngay sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang: không đập, di kiến ba khoang vì như vậy triệu chứng sẽ càng nặng thêm. Rửa vết thương dưới vòi nước sạch, rửa nhẹ nhàng bằng xà phòng dịu nhẹ tránh chà xát, quệt ra vị trí da lành. Sau đó đến gặp bác sỹ để được hướng dẫn điều trị

– Tuỳ thuộc vào mức độ nặng nhẹ, vị trí tồn thương để lựa chọn thuốc phù hợp. Các thuốc có thể dùng: thuốc sát trùng, corticoid đường bôi, thuốc kháng histamin, kháng sinh trong trường hợp bội nhiễm.

– Không tự ý thuốc điều trị theo hướng zona, bôi các thuốc màu, lá cây hoặc sử dụng các biện pháp dân gian khác làm cho thương tổn bị loét, lan rộng thậm chí nhiễm trùng.

Phòng bệnh

– Vệ sinh môi trường sống, phát quang bụi rậm, cỏ cây xung quanh nhà…

– Sử dụng đồ bảo hộ khi làm đồng, làm vườn.

– Sử dụng màn khi đi ngủ, lưới chống côn trùng ở cửa sổ.

Hãy đến ngay cơ sở Y tế khi tiếp xúc với dịch cơ thể của kiến ba khoang hoặc liên hệ tổng đài 1800.969.666 (miễn cước cuộc gọi) để được tư vấn.

============================
🏥 TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN THANH THỦY
☎️ Hotline: 1800 969 666 (miễn cước cuộc gọi)
⏰ Thời gian làm việc: khám #BHYT thứ 7, chủ nhật và cả ngày NGHỈ, LỄ, TẾT.
🖲 Địa chỉ: Khu 5, thị trấn Thanh Thủy, H. Thanh Thủy, T. Phú Thọ.

 

Tags: