3 lý do cần cắt amidan để giúp trẻ khỏe mạnh

Viêm amidan không những gây đau rát cổ họng mà còn làm tăng kích thước của amidan khiến amidan to gây chèn ép vào đường thở và đường tiêu hóa. Vậy nếu bị amidan to làm thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ? Có nên cắt amidan không? Và nếu cắt thì nên cắt ở thời điểm nào là tốt nhất?

1. Amidan là gì?

Amidan hay còn gọi là amidan khẩu cái, là tổ chức hạch lympho lớn nhất của cơ thể nằm ở 2 bên thành họng, nơi giao nhau giữa thực quản và khí quản. Amidan có thể nhìn thấy bằng mắt thường khi há to miệng.

Vai trò của Amidan được ví như hàng rào bảo vệ cửa ngõ của cơ thể nhờ chức năng sản xuất ra kháng thể IgG và các hoạt chất tham gia vào quá trình chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và virus trong cơ thể.

Tuy nhiên, trong quá trình bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây hại, amidan có thể bị viêm và nếu không được điều trị có thể hình thành ổ mủ hay ổ áp xe. Tình trạng này dẫn đến amidan to hơn so với bình thường, sưng nề và đau, gây cản trở cho đường thở và đường tiêu hóa, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Doctor consulting a young boy – sore throat concept

2. Amidan to có nên cắt không?

Amidan to có nguy hiểm không và vì sao cần thiết phải cắt amidan to? Tuy amidan là một bộ phận miễn dịch bảo vệ cơ thể nhưng đôi khi trong một vài trường hợp, nó vẫn cần phải được loại bỏ khỏi cơ thể do kích thước quá lớn gây chèn ép hoặc bị giảm chức năng miễn dịch do bị viêm nhiễm quá nhiều lần. Amidan không phải là bộ phận duy nhất trên cơ thể có khả năng miễn dịch bảo vệ cơ thể. Do đó việc cắt amidan cho trẻ sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Việc cắt amidan to nhằm một số loại bỏ những hậu quả do amidan to gây ra như:

  • Về hô hấp:
    • Amidan nằm ở đoạn giao nhau giữa đường thở và đường tiêu hóa nên nếu amidan to sẽ gây cản trở khiến đường hô hấp trên bị tắc nghẽn dẫn đến hiện tượng ngủ ngáy thậm chí có thể ngưng thở khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ kéo dài khiến trẻ phải há miệng để thở làm ảnh hưởng đến sự phát triển vùng hàm mặt, có thể gây lệch khớp cắn, mũi tẹt… Và nếu tình trạng này xảy ra liên tục thì có thể ảnh hưởng đến cả sự thông khí ở phổi và phế quản.
    • Đồng thời, sự tắc nghẽn trong hệ hô hấp sẽ gây ra tình trạng thiếu oxy lên não ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ, gây rối loạn giấc ngủ, ngủ không yên giấc, những bấn loạn về mặt tinh thần và một số bệnh lý rối loạn tâm lý khác…
    • Về tiêu hóa:
      • Do ở vị trí giao điểm nên amidan to không chỉ ảnh hưởng đến hô hấp mà còn gây trở ngại cho việc đưa thực ăn vào trong cơ thể qua đường tiêu hóa. Amidan to gây cảm giác nuốt vướng thậm chí là nuốt đau, khó nuốt.
      • Về tai mũi họng:
        • Do vai trò làm hàng rào bảo vệ cửa ngõ của cơ thể nên sự tiếp xúc của amidan với vi khuẩn là tương đối nhiều, hiện tượng viêm cũng xảy ra thường xuyên hơn tại amidan. Khi bị viêm amidan vô hình chung trở thành nguồn vi khuẩn dẫn đến viêm xoang, viêm họng hay viêm tai giữa ở trẻ em.

    Nói chung, việc cắt amidan to là thực sự cần thiết để tránh các tình trạng tắc nghẽn, giảm tỷ lệ tái phát các nhiễm trùng hô hấp trên và các bệnh lý của tai giữa…, đảm hoạt cho hoạt động của hệ hô hấp và hệ tiêu hóa được thuận lợi. Nhưng bản chất của amidan là tốt cho cơ thể nên không phải lúc nào cũng nên lựa chọn cắt amidan.

    3. Cắt amidan ở thời điểm nào là tốt nhất?

    Các trường hợp được nên cắt amidan gồm có:

    • Trẻ bị viêm amidan ít nhất 7 lần trong 1 năm, hoặc bị viêm ít nhất 5 lần trong một năm và tình trạng kéo dài suốt 2 năm, hoặc viêm ít nhất 3 lần trong một năm nhưng kéo dài trong 3 năm liên tiếp.
    • Amidan sưng to gây cản trở đường hô hấp trên dẫn đến rối loạn giấc ngủ, trẻ có cơn ngưng thở khi ngủ.
    • Amidan một bên to bất thường, nghi ngờ khối u

    Amidan tuy chỉ là một bộ phận nhỏ trên cơ thể nhưng cũng có vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch. Hãy cho trẻ đến gặp bác sĩ ngay nếu thấy trẻ có những biểu hiện bất thường ở đường hô hấp trên và đường tiêu hóa để tránh làm nặng thêm tình trạng viêm amidan và hạn chế những biến chứng có thể xảy ra cho sức khỏe của trẻ.

    Sưu tầm

Tags: