Các tiêu chuẩn của xét nghiệm sàng lọc ung thư

 Ung thư là nguyên nhân gây nên nhiều ca tử vong, tuy nhiên không phải bệnh ung thư nào cũng cướp đi mạng sống của con người.

Hầu hết nếu ung thư được phát hiện sớm và thực hiện tầm soát ung thư sớm thì khả năng sống sót sẽ cao hơn rất nhiều.

Các tiêu chuẩn của xét nghiệm sàng lọc ung thư dưới đây phần nào giúp bạn đọc tham khảo và thực hiện sớm.

  • Xét nghiệm thăm khám: có thể thực hiện, phù hợp với bối cảnh xã hội, được bệnh nhân và cộng đồng chấp nhận.
  • Chi phí thấp/phù hợp.
  • Ít tác dụng phụ.
  • Độ nhạy (khả năng phát hiện ung thư cao), độ đặc hiệu (khả năng loại trừ ung thư tốt), dự báo dương tính càng cao càng tốt. Xét nghiệm có độ nhạy và độ đặc hiệu trên 80% là đạt yêu cầu sàng lọc.

Chụp CT phổi liều thấp

Chụp CT phổi liều thấp giúp phát hiện sớm ung thư phổi cho những người có nguy cơ cao như: tuổi trên 50, có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm hoặc đang hút thuốc lá, có tiền sử ung thư phổi, có người thân cấp 1-2 (bố mẹ, anh chị em ruột) mắc ung thư phổi, có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), làm việc tiếp xúc với amiăng lâu dài… Tần suất khuyến cáo thông thường 1 năm/lần.

Chụp CT phổi liều thấp để phát hiện sớm ung thư phổi

Chụp CT phổi liều thấp để phát hiện sớm ung thư phổi.

Chụp Xquang vú (còn gọi là chụp mamography hay chụp nhũ ảnh vú)

Phương pháp này giúp phát hiện sớm ung thư vú cho những người có nguy cơ trung bình (không bị mắc ung thư vú trước đó, có người thân cấp 1-2 mắc ung thư vú hoặc mang gen tăng khả năng mắc ung thư vú (như BRCA) và không có tiền sử xạ trị vùng ngực trước tuổi 30).

Nên bắt đầu chụp Xquang vú từ tuổi 40, thực hiện hằng năm. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể bổ sung thêm siêu âm vú hay chụp cộng hưởng từ nếu cần. Với những người có nguy cơ thấp hơn thì có thể bắt đầu sàng lọc ở tuổi cao hơn (45-50 tuổi).

Chụp nhũ ảnh vú (Mammography).  Bầu vú được ép vào 2 mặt phẳng, chiếu tia X liều thấp vào vùng vú để chụp ảnh mô vú.

Chụp nhũ ảnh vú (Mammography). Bầu vú được ép vào 2 mặt phẳng, chiếu tia X liều thấp vào vùng vú để chụp ảnh mô vú.

Nội soi dạ dày

Nội soi dạ dày phát hiện sớm ung thư dạ dày. Ở các nước Âu, Mỹ không có khuyến cáo khám sàng lọc cho ung thư dạ dày. Tuy nhiên, ở Nhật Bản và Hàn Quốc, người dân được khuyến cáo đi khám sàng lọc từ năm 40 tuổi, 1-2 năm/lần tùy trường hợp.
Việt Nam có đặc điểm sinh lý và nền bệnh gần giống Nhật và Hàn (tỉ lệ nhiễm Hp cao, ăn nhiều đồ muối…) nên chúng ta có thể áp dụng theo khuyến cáo của 2 nước này.

Nội soi dạ dày có thể phát hiện tổn thương ung thư ở giai đoạn sớm

Nội soi dạ dày có thể phát hiện tổn thương ung thư ở giai đoạn sớm.

Nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng giúp phát hiện sớm ung thư dạ dày, đại tràng. Thế giới có khuyến cáo tìm hồng cầu ẩn trong phân để sàng lọc ung thư đại trực tràng, tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay phương pháp này chưa được áp dụng rộng rãi đặc biệt là ở các bệnh viện, phòng khám nên nội soi vẫn là phương pháp được chỉ định rộng rãi hơn.

Các hiệp hội ung thư khuyến cáo tuổi bắt đầu nên soi là từ 45, tùy theo kết quả soi lần đầu (có polyp hay không có polyp, đặc điểm polyp…) mà bác sĩ sẽ khuyến cáo thời gian theo dõi cho lần tiếp theo, có thể từ 1-5 năm.

Nội soi đại tràng có thể phát hiện tổn thương tiền ung thư (polyp) và ung thư sớm.

Nội soi đại tràng có thể phát hiện tổn thương tiền ung thư (polyp) và ung thư sớm.

Xét nghiệm máu định lượng PSA: phát hiện ung thư tiền liệt tuyến, cho nam từ 45 tuổi. Chương trình này đặc biệt có hiệu quả ở các nước Âu, Mỹ.

Nội soi cổ tử cung và làm phiến đồ âm đạo: phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Nên bắt đầu từ tuổi 21, sau đó có thể làm 2-3 năm/lần. Sau tuổi 30, tùy từng loại test xét nghiệm, có thể làm 5 năm/lần.

Nội soi cổ tử cung phát hiện tổn thương ung thư sớm và làm phiến đồ âm đạo.

Nội soi cổ tử cung phát hiện tổn thương ung thư sớm và làm phiến đồ âm đạo.

Siêu âm gan và làm xét nghiệm máu (đo hàm lượng AFP, PIVKA-II …): Hiện nay các nước Âu, Mỹ chưa có khuyến cáo khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư gan, tuy nhiên Nhật Bản là nước có tỉ lệ ung thư gan cũng khá cao, họ rất quan tâm đến việc phát hiện sớm nên Nhật Bản cũng có khuyến cáo khám sàng lọc trên những người có nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan mạn.

Ở Việt Nam, ung thư gan là loại ung thư phổ biến thứ 1-2 trong cả 2 giới ở nước ta hiện nay, cả về tỉ lệ mắc và tử vong. Trên những người bệnh có nguy cơ cao (viêm gan mạn, xơ gan…) thì khi đi khám sàng lọc bác sĩ vẫn có thể chỉ định cho làm xét nghiệm kiểm tra như siêu âm, định lượng AFP trong máu, chụp CT…

Các loại ung thư khác như tụy, thận, buồng trứng, tử cung, tuyến giáp, máu… hiện chưa có khuyến cáo khám sàng lọc nhưng trên thực tế lâm sàng, các bác sĩ vẫn có thể cho thăm khám để phát hiện tổn thương ung thư sớm trên những người có nguy cơ cao như:

  • Ung thư tụy: là loại ung thư khó phát hiện sớm, khi đã phát bệnh thì tiên lượng điều trị kém. Trên những người bệnh có nguy cơ cao như viêm tụy mạn, bác sĩ có thể cho chỉ định làm thêm siêu âm, xét nghiệm máu…
  • Các tạng khác trong ổ bụng như buồng trứng, thận, tử cung… thường được làm siêu âm chẩn đoán.
  • Tuyến giáp: thường được kiểm tra bằng siêu âm.

BS. Nguyễn Thị Vân Ngọc

Tags: