KHI NÀO CẦN KHÁM CHUYÊN KHOA NỘI TIÊU HOÁ

Có rất nhiều vấn đề có thể xảy ra với hệ tiêu hóa. Đau bụng dai dẳng, đầy hơi, tiêu chảy, ợ chua, đi phân có máu và những triệu chứng khác là lý do mà bạn nên đến gặp bác sĩ tiêu hóa để được chẩn đoán và điều trị. 

1. KHOA NỘI TIÊU HÓA CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ GÌ?

Hệ tiêu hóa là một bao gồm các cơ quan từ miệng đến trực tràng. Hệ tiêu hóa chịu trách nhiệm hấp thu chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải. Một số bệnh lý tiêu hóa không được điều trị sớm có thể dẫn đến tình trạng mạn tính, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

Khoa nội tiêu hóa chẩn đoán và điều trị các bệnh lý hệ tiêu hóa ở thực quản, dạ dày, tá tràng, đại trực tràng, tụy và gan mật. Trong đó một số bệnh tiêu hóa phổ biến như:

– Bệnh thực quản: Viêm thực quản, bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, loét thực quản, tắc nghẽn thực quản, thủng thực quản, túi thừa thực quản, thực quản Barrett, ung thư thực quản…

– Bệnh dạ dày, tá tràng: Viêm dạ dày và tá tràng có hoặc không nhiễm HP, xuất huyết dạ dày, loét dạ dày, loét tá tràng, hẹp môn vị, co thắt môn vị, polyp dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày…

– Bệnh ruột thừa: Viêm ruột thừa, tăng sản ở ruột thừa, sỏi ở ruột thừa…

– Bệnh ruột non và đại trực tràng: Hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, trực tràng, polyp đại trực tràng, rối loạn mạch máu của ruột, ung thư đại trực tràng…

– Bệnh của gan: Gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu, viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C, xơ gan, suy gan, bệnh gan nhiễm độc, viêm gan tự miễn, ung thư gan, nang gan,…

– Bệnh túi mật, ống mật và tụy: Sỏi túi mật, sỏi đường mật, viêm túi mật, viêm đường mật, u đường mật, viêm tụy, nang tụy, nang giả tụy, u tụy…

– Bệnh khác của hệ tiêu hóa: Ruột kém hấp thu, bệnh Celiac, táo bón, tiêu chảy, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, chảy máu tiêu hóa, nhiễm ký sinh trùng đường ruột…

– Trĩ, rò hậu môn, nứt hậu môn,…


Khoa nội tiêu hóa chẩn đoán và điều trị bệnh lý hệ tiêu hóa

2. KHI NÀO CẦN ĐI KHÁM CHUYÊN KHOA NỘI TIÊU HÓA

a. Có các triệu chứng có thể liên quan đến bệnh tiêu hóa

Đôi khi do ăn một số thực phẩm kích thích (đồ chua, cay, thức uống có gas, rượu bia…) hoặc ăn thực phẩm không hợp vệ sinh, bạn có thể bị rối loạn tiêu hóa. Các triệu chứng này có thể biến mất sau đó. Nhưng một số triệu chứng lại là dấu hiệu của bệnh lý tiêu hóa cần được điều trị.

Bạn nên đi khám tiêu hóa nếu có một trong những triệu chứng dưới đây:

– Táo bón hoặc tiêu chảy liên tục

– Phân nhạt màu, phân có màu đen hoặc đi phân có lẫn máu

– Đầy hơi thường xuyên

– Đau bụng

– Buồn nôn, nôn mửa

– Cảm giác bụng nóng rát, ợ chua liên tục

– Đi cầu ra máu đỏ

– Vàng da, vàng mắt

– Nước tiểu sẫm màu

– Khó nuốt

– Chán ăn hoặc sụt cân

– Cảm giác nhanh no, cồn cào dù chỉ ăn ít

– Không dung nạp thực phẩm (xảy ra sau khi sử dụng một số thực phẩm như sữa, gluten: đầy hơi, tiêu chảy, đau bụng, đau đầu, ợ nóng, nôn mửa…)

Một số bệnh lý tiêu hóa có triệu chứng nhẹ, khó phân biệt và dễ bị bỏ qua. Do đó bạn không nên chủ quan. Đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa ở giai đoạn sớm thường có rất ít triệu chứng, các triệu chứng giống như những bệnh tiêu hóa thông thường khác.

b. Có yếu tố nguy cơ ung thư tiêu hóa

Ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng và ung thư thực quản là những loại ung thư phổ biến tại Việt Nam. Nếu bạn có yếu tố nguy cơ, bạn nên tầm soát định kỳ để phát hiện kịp thời ung thư ở giai đoạn sớm. Một số đối tượng nên tầm soát ung thư là:

– Nguy cơ ung thư gan: người trên 50 tuổi; nhiễm viêm gan B/C mạn; xơ gan; sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá.

– Nguy cơ ung thư ống tiêu hóa: người trên 40 tuổi; bị bệnh đường tiêu hóa mạn tính; từng phẫu thuật cắt ống tiêu hóa; polyp; nhiễm HP; thói quen ăn uống nhiều muối, thực phẩm ngâm chua và hun khói; sử dụng nhiều rượu bia và thuốc lá.

– Có người trong gia đình bị ung thư đường tiêu hóa, gan mật,…

3. CÁC XÉT NGHIỆM KHI KHÁM CHUYÊN KHOA TIÊU HÓA


Nội soi là phương pháp chẩn đoán hiệu quả bệnh lý đường tiêu hóa

Tùy vào kết quả khám lâm sàng mà bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng như:

– Xét nghiệm máu

– Xét nghiệm nước tiểu

– Xét nghiệm phân

– Kiểm tra hơi thở (test C13)

– Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng, nội soi đại tràng – trực tràng

– X-quang

– Siêu âm

– Các xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư đường tiêu hóa (cancer markers): AFP, CEA,…

– Chụp cắt lớp vi tính CT

– Chụp cộng hưởng từ MRI

Trong đó nội soi gây mê hoặc không gây mê là phương pháp an toàn và hiệu quả trong thăm khám và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa. Nội soi có thể phát hiện sớm các tổn thương nhỏ, giúp chẩn đoán chính xác bệnh lý đường tiêu hóa, cũng như giúp chẩn đoán ung thư đường tiêu hóa.

Sưu tầm

Tags: