Lựa chọn đồ uống cho bệnh nhân đái tháo đường

Theo Tổ chức Đái tháo đường Quốc tế (IDF – International Diabetes Federation), hiện nay cứ 11 người thì có 1 người mắc đái tháo đường (ĐTĐ). Số liệu mới nhất của IDF (2017) ước tính trên toàn thế giới có 425 triệu người mắc. Bệnh nhân mắc đái tháo đường cần hiểu được tầm quan trọng của việc kiểm soát đường máu để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của ĐTĐ. Do vậy, có kiến thức về việc lựa chọn đồ ăn, đồ uống là rất cần thiết đối với tất cả bệnh nhân ĐTĐ. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị bệnh nhân nên lựa chọn đồ uống có hàm lượng đường và calo trung bình hoặc thấp. Lựa chọn đồ uống đúng giúp bệnh nhân duy trì được cân nặng, hạn chế gia tăng đột biến lượng đường trong máu.


─ Dưới đây là một số đồ uống bệnh nhân ĐTĐ nên dùng:

1. Nước lọc:

Là lựa chọn hàng đầu cho bệnh nhân đái tháo đường, nước lọc không chứa năng lượng, không làm tăng đường máu. Thậm chí nước lọc còn giúp cơ thể tăng đào thải glucose qua nước tiểu. Viện dinh dưỡng quốc gia khuyển cáo, mỗi người nên uống 40ml nước/kg/ngày (VD: 1 người 50 kg nên uống ≈ 2 lít).

2. Trà xanh:

Một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên tạp chí ĐTĐ và chuyển hóa (Diabetes and Metabolism Journal) chỉ ra lợi ích của trà xanh đối với ĐTĐ và thừa cân, béo phì. Những người uống 6 tách trà xanh trở lên mỗi ngày có nguy cơ mắc đái tháo đường typ 2 thấp hơn 33% so với những người uống ít hơn hai tách hoặc không uống mỗi tuần. Nghiên cứu tại Đài Loan cũng nhận thấy, những người uống trà xanh trong 10 năm có vòng eo nhỏ hơn và bề dày lớp mỡ dưới da thấp hơn so với những người không uống. Nguyên nhân là do trong trà xanh hầu như không chứa calo và có rất nhiều chất chống oxy tốt cho cơ thế mà điển hình nhất là 2 chất EGCG và polyphenol. EGCG làm tăng sinh và biệt hóa phân tử mỡ trong tế bào, tăng quá trình oxy hóa chất béo và làm giảm nồng độ glucose trong máu thông qua hoạt động của nó tại đường tiêu hóa.

3. Trà hoa cúc:

Được làm từ hoa của cây hoa cúc, được sử dụng trong y học cổ truyền suốt hàng trăm năm qua, với một số công dụng như: chống viêm, điều trị các triệu chứng cảm lạnh thông thường, mất ngủ, chóng mặt…Ngày nay y học hiện đại phát triển, các chuyên gia đã phân tích các thành phần trong hoa cúc thấy trong đó rất giàu vitamin A, B1, choline và sắc tố rất tốt cho bệnh nhân đái tháo đường. Bệnh nhân ĐTĐ nên uống 1 tách trà hoa cúc mỗi ngày giúp hỗ trợ kiểm soát tốt đường huyết.

4. Nước ép ổi:

Quả ổi chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa, vitamin C, lutein, beta carotene… Rất nhiều nghiên cứu đã ghi nhận hiệu quả tích cực của quả ổi trong việc kiểm soát lipid máu và đường huyết. Ngoài quả ổi, trà lá ổi cũng được coi như một thứ “thuốc thần dược” làm giảm đường huyết hiệu quả.

5. Nước ép bưởi:

Cũng giống như quả ổi, quả bưởi chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, vitamin C, vitamin D, vitamin B và lượng đường trong quả bưởi rất thấp. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị đối với bệnh nhân đái tháo đường nên uống 4-5 ly nước ép bưởi một tuần.

6. Nước dừa:

Trong nước dừa chứa nhiều điện giải: kali, natri, phốt pho, kẽm, sắt, đồng…chỉ số đường huyết của nước dừa cũng thấp. Đối với bệnh nhân đái tháo đường có thể uống 4-5 quả dừa/tuần. Tuy nhiên với những bệnh nhân có bệnh thận mạn tính kèm theo thì tốt nhất nên hạn chế uống nước dừa, vì nước dừa giàu kali sẽ khiến hàm lượng kali tăng trong máu, điều này có thể là một “mối nguy hại”.

7. Sữa:

Nhiều bệnh nhân quan niệm khi mắc ĐTĐ thì không nên uống sữa. Quan điểm này hoàn toàn sai, sữa bổ sung nhiều vi chất dinh dưỡng quan trong như: canxi, magie, kẽm, đồng, sắt, phốt pho…, nhiều vitamin thiết yếu (A, B, C, E, K), các chất béo không no rất tốt cho việc kiểm soát cân nặng, phòng ngừa loãng xương cũng như kiểm soát đường huyết mà hiện nay các chuyên gia dinh dưỡng đang đặc biệt quan tâm là MUFA và PUFA. Nhưng lựa chọn loại sữa nào để uống là một vấn đề đau đầu với bệnh nhân ĐTĐ vì trên thị trường có rất nhiều loại sữa. Sữa cho bệnh nhân ĐTĐ phải đảm bảo được nguyên tắc: năng lượng do chất bột đường cung cấp chỉ chiếm từ 45-50%, chỉ số đường huyết GI (Glycemic Index) thấp (< 55%) và giàu chất xơ.

Một số đồ uống bệnh nhân đái tháo đường nên hạn chế dùng: Rượu, bia, cà phê, nước ngọt có gas (coca cola, pepsi, fanta…), các loại cocktail trái cây hỗn hợp. Những loại đồ uống này làm tăng nguy cơ béo phì, một yếu tố nguy cơ đối với bệnh nhân ĐTĐ, tăng kháng insulin và tăng nhanh lượng đường máu ngay sau khi sử dụng.

Kết luận:

Nhiều bệnh nhân đái tháo đường nghĩ rằng những gì họ uống không ảnh hưởng đến lượng đường máu nhiều so với những gì họ ăn. Nhưng trên thực tế rất nhiều đồ uống có chứa lượng đường và calo cao, làm tăng nhanh lượng đường huyết sau khi sử dụng chúng. Đối với bệnh nhân ĐTĐ việc lựa chọn thực phẩm đồ uống là rất quan trọng, lựa chọn đúng sẽ giúp kiểm soát tốt lượng đường huyết, hạn chế tối đa các biến chứng, giúp bệnh nhân ĐTĐ cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nguồn:

1. International Diabetes Federation 2017, IDF Diabetes Atlas 8e presentation.

2. Viện Dinh dưỡng và Bộ Y tế (2015), Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của người Việt Nam.

3. K. Hyun, K. Jaetaek (2013). The effect of green tea on obesity and type 2 diabetes. Diabetes Metabolism Journal. 37(3): 173-175.

4. Bệnh viện Quân Y 108

====================
🏥 TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN THANH THỦY
📞 Hotline: 1800 969 666 (miễn cước cuộc gọi)
⏰ Thời gian làm việc: khám #BHYT Tất cả các ngày
💒 Địa chỉ: Khu 5, thị trấn Thanh Thủy, Thanh Thủy, Phú Thọ.
🌐 website: https://trungtamytethanhthuy.vn

Tags: